Nguyên nhân mất an toàn lao động
Những nguyên nhân gây mất an toàn lao động bạn nên biết
Trong quá trình tham gia lao động luôn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn với rất nhiều hậu quả nặng nề. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra mất an toàn lao động như thiết bị, máy móc gặp trục trặc; chủ quan của người lao động; sự vô ý của chủ doanh nghiệp… Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn một số thông tin về nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn lao động cũng như cách phòng tránh.
Nguyên nhân gây ra mất an toàn lao động
Nguyên nhân kỹ thuật
Nguyên nhân kỹ thuật là những yếu tố liên quan đến sự thiếu sót về mặt kỹ thuật và có thể được chia ra thành những nhóm như sau:
- Phương tiện, dụng cụ máy móc sử dụng không hoàn chỉnh: thiếu các thiết bị an toàn, phòng ngừa như thiết bị khống chế quá tải, thiết bị khống chế góc nâng trục , cầu chì rơ le…; xuất hiện các hỏng hóc gây ra sự cố (đứt cáp, tuột phanh, gãy thang, gãy cột chống…).
- Vi phạm quy phạm, quy trình an toàn: Sử dụng các thiết bị điện không đúng điện áp, làm việc trong môi trường nguy hiểm về điện, vi phạm trình tự tháo cột chống… có thể gây ra tai nạn cho người lao động.
Nguyên nhân tổ chức
Đây là những nguyên nhân đến từ sự sai sót trong tổ chức thực hiện sản xuất, lao động.
Việc bố trí không gian sản xuất không hợp lý; diện tích làm việc chật hẹp; máy móc, dụng cụ, thiết bị, nguyên vật liệu để sai chỗ sẽ gây ra cản trở cho thao tác của người lao động, dễ dẫn đến tai nạn.
Sự thiếu nghiêm chỉnh trong các chế độ về bảo hộ lao động (chế độ giờ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ bồi dưỡng độc hại…) cũng gây ra nguy cơ tai nạn trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, nguyên nhân gây ra mất an toàn lao động còn đến từ sự lơ là, thiếu kiểm tra giám sát, quản lý lỏng lẻo của tổ chức, doanh nghiệp.
Nguyên nhân vệ sinh môi trường
Tai nạn lao động có thể xảy ra do điều kiện thời tiết, môi trường xung quanh quá khắc nghiệt, ô nhiễm hoặc các yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép…
Nguyên nhân con người
Khi bản thân người lao động không đảm bảo đủ sức khỏe, thể trạng, tâm lý thì rất dễ xảy ra tai nạn lao động. Đặc biệt, việc người lao động chủ quan, tự ý vi phạm kỷ luật lao động, không mang trang bị bảo hộ lao động là một trong những nguyên nhân chính yếu gây ra mất an toàn và để lại nhiều hậu quả nặng nề.
Các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động
Để đảm bảo an toàn cho người lao động và tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, cần có những biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động phù hợp.
- Kiểm tra máy móc, thiết bị, vật tư… thường xuyên, đảm bảo nghiêm ngặt các quy chuẩn về an toàn lao động.
- Cần xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động hằng năm.
- Đối với những lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại cần được trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị bảo hộ cần thiết và có các biện pháp an toàn riêng.
- Người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động cần phải tham dự các khóa huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh an toàn lao động.
- Phổ biến đầy đủ thông tin về tình trạng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như nguyên nhân gây ra mất an toàn lao động cho người lao động nắm rõ.
- Người lao động cần được đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm và có chế độ chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Người lao động là một trong những nhân tố chính yếu trực tiếp tạo ra của cải, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chính vì vậy việc đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình sản xuất và làm việc là vô cùng quan trọng và cần thiết. Các công ty, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này và tăng cường thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động trong thời gian sắp tới.